Sáng 21/11,ạtlởđườngchiacắthàngnghìnhộdâtrực tiếp ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết đường sạt lở từ thị trấn đi qua xã Tân Tiến. Ba tháng trước, đoạn đường dài 110 m sụp xuống sông, ăn sâu bên trong hơn 10 m. Sau đó, sạt lở tiếp tục "nuốt" thêm 30 m chiều dài.
Địa phương bố trí hai phà phà chở xe máy, đồng thời làm đường và cầu tạm để dân đi. Tuy nhiên vài ngày nay triều cường nên tuyến tiếp tục sạt lở, làm hư hỏng đường tạm. Xã phải thuê cơ giới đắp đất khắc phục nhưng chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Đoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết đường hỏng là tuyến huyết mạch của huyện, mỗi ngày đón hàng nghìn hộ dân ở các xã qua lại để đi chợ, chở hàng, đi học...
Do đường hư hỏng, người dân phải đi phà mỗi lượt 7.000-15.000 đồng. Nhiều gia đình tốn 60.000-100.000 đồng mỗi ngày, phải chờ đợi hơn 30 phút lúc cao điểm đông người.
Tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hư hỏng ở tuyến đường nói trên. Huyện Đầm Dơi đã lên phương án sửa chữa vị trí đường hỏng với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Trong thời gian chờ nâng cấp, chính quyền tiếp tục đắp đất gia cố đường tạm để người đi lại được bằng xe máy.
Do địa hình thấp và nhiều sông rạch, Cà Mau là một trong những địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất nước. Từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 vụ sạt bờ sông, riêng địa bàn huyện Đầm Dơi có trên 140 điểm.
Hồi tháng 10, Thủ tướng quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long được bổ sung vốn nhiều nhất, mỗi địa phương 500 tỷ đồng.
An Minh